Sharing Day 2 “Legal Framework” – Pháp lý khi khởi nghiệp: thỏa thuận nhà sáng lập, bảo hộ sáng chế – sản phẩm

Vào ngày 25 tháng 7 vừa qua, tại Viện Đổi mới Sáng tạo UEH đã tổ chức thành công chương trình Sharing Day 2 với chủ đề Legal Framework – Pháp lý khi khởi nghiệp: thỏa thuận nhà sáng lập, bảo hộ sáng chế – sản phẩm.

Chương trình với sự góp mặt của hai diễn giả là anh Đặng Thái Bình – CEO Công ty Cổ phần Giải pháp Pháp lý Thông minh và anh Phạm Văn Sinh – Giám đốc PA Law Firm. Hai anh hiện đang là luật sư và chuyên gia cố vấn pháp lý cho các dự án khởi nghiệp, các công ty trong và ngoài nước. Chương trình thu hút hơn 14 founder, co-founder đại diện cho các dự án đang được ươm tạo tại Vườn ươm UII. Buổi chia sẻ cũng là bước khởi đầu cho sự đồng hành của iLaw cùng UII trong việc tư vấn và phát triển cho cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực pháp lý, bảo hộ thương hiệu cho các dự án ươm tạo tại Vườn ươm UII.

Mở đầu chương trình, hai diễn giả và các dự án tại UII đã có những phút giây làm quen và kết nối với nhau rất sôi nổi. Trong phần đầu tiên của Sharing Day,  anh Đặng Thái Bình đã có những chia sẻ tổng quan về các vấn đề pháp lý mà các dự án cần lưu ý khi khởi nghiệp. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sáng chế (patents), kiểu dáng (industrial designs), nhãn hiệu (trademarks), quyền tác giả (copyrights), bí mật thương mại (trade secrets). Ngoài ra, anh Bình còn giúp cho các founder, co-founder phân biệt từng loại sáng chế, thời hạn cũng như mức độ quan trọng của sở hữu trí tuệ đó như thế nào để các dự án có thể tìm thấy cơ hội cho chính mình. Thêm vào đó, Anh Bình nhấn mạnh: “ngay từ giai đoạn ban đầu khi khởi nghiệp, các founder hay co-founder phải thống nhất với nhau, ai là người sở hữu tài sản trí tuệ để có những hoạch định cho giai đoạn sau này.”  

Vấn đề về pháp lý đang là một trong những vấn đề đang được rất nhiều các dự án quan tâm, tuy nhiên các dự án chưa có đủ kênh tiếp cận với những thông tin này cũng như chưa có nhiều cơ hội để được trao đổi cùng các chuyên gia và được tư vấn cặn kẽ. Vì vậy nên, tại phần tiếp theo của chương trình, hai anh đã dành nhiều thời gian để chia sẻ cũng như trả lời các câu hỏi và thắc mắc của các dự án trong câu chuyện khởi nghiệp mà họ đang theo đuổi.

Với hơn 15 năm kinh nghiệm làm luật sư, tư vấn thành công cho rất nhiều dự án khởi nghiệp. Anh Phạm Văn Sinh chia sẻ:“đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là phải bắt buộc đăng ký cho nhóm ngành, chứ không phải tất cả các nhóm ngành đều được bảo hộ. Chính vì vậy, ngay từ đầu khi chúng ta đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, mình phải có dự tính cho công ty của mình kinh doanh trong những lĩnh vực nào thì mình phải bỏ chi phí ra để đăng ký nhóm ngành đó. Thứ hai, liên quan đến nhượng quyền thương hiệu, trước khi muốn làm chuỗi thì phải có văn bằng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Thứ ba, trong trường hợp tranh chấp cổ đông hay công ty giải thể thì nhãn hiệu hàng hóa đó sẽ thuộc về ai? Chính vì vậy, việc thỏa thuận cổ đông ngay từ đầu là rất quan trọng. Thứ tư, nên chủ động tra cứu tên nhãn hiệu hay tên công ty trước khi đặt và thời gian cấp văn bằng đăng ký nhãn hiệu lên tới hai năm.”

Để trả lời cho câu hỏi: “Dự án có ý định xuất khẩu tại thị trường EU, vậy thì cách đăng ký nhãn hiệu sẽ như thế nào?” từ anh Phạm Tuấn Anh Du – Dự án Da Vinci

Anh Sinh đáp: “thứ nhất khi đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam, mình có thể yêu cầu công ty sở hữu trí tuệ đăng ký qua các nước khác luôn. Như vậy, nó sẽ dễ hơn cho bạn nếu như thuê luật sư nước ngoài đăng ký nhãn hiệu nhưng sẽ tốn chi phí rất cao.” 

Ngoài ra, anh Sinh cũng lưu ý những vấn đề nên cho vào thỏa thuận cổ đông lúc ngay từ lúc thành lập công ty như bí mật công ty, quyền sở hữu trí tuệ hay thông tin khách hàng. Anh chia sẻ thêm:“khi thuê lao động làm việc thì mình nên làm một bản cam kết gửi đến người lao động trong vấn đề bảo mật thông tin cho công ty ”

Trong quá trình chuẩn bị cho buổi chia sẻ, Ban Tổ chức đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ các dự án. Nhận thấy phần lớn các dự án đều có những thắc mắc về việc tranh chấp cổ đông trong nội bộ công ty và các vấn đề liên quan đến hợp đồng thỏa thuận góp vốn ngay từ ban đầu, anh Sinh đưa ra một số lưu ý như sau: “thứ nhất về hợp đồng thành lập công ty, trước khi thành lập thì anh khuyến khích mọi người phải có điều lệ sẵn có, điều lệ của công ty là rất quan trọng. Thêm vào đó là các cam kết giữa các cổ đông với nhau về vốn góp hay quyền sở hữu trí tuệ. Mọi thứ phải được xác định rõ ràng để tránh những trường hợp không may xảy ra về sau.”

Đại diện các dự án trao đổi và thảo luận cùng hai diễn giả
Kết thúc chương trình, chị Phương Thảo – Giám đốc Vườn ươm UII đã gửi tặng hai anh một món quà như một lời cảm ơn chân thành.

Sharing Day là một hoạt động được tổ chức định kỳ hàng tháng tại UII, đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình đào tạo dành riêng cho các dự án tham gia vào Vườn ươm UII. Chương trình hướng đến các vấn đề mà các dự án đang quan tâm, cũng như cung cấp thêm nhiều kiến thức bổ ích trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.