Fireside Chat 4 – Startup Journey: From an Educator to an Entrepreneur

Vào sáng ngày 04/12/2021, số thứ tư của Fireside Chat với chủ đề Startup Journey: From an Educator to an Entrepreneur đã được tổ chức. Talkshow lần này mang đến một làn gió mới cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với phần chia sẻ đến từ diễn giả nước ngoài là Mr. Neelesh Bhatia – Co-founder và CEO của Akadasia (FREEJOO), một startup mới thuộc Vườn ươm UII. Sự kiện cũng thu hút được sự quan tâm tham gia của các bạn sinh viên UEH với niềm đam mê, yêu thích khởi nghiệp. 

Hành trình startup (The startup curve) – Từ A đến G.

Mở đầu buổi trò chuyện, Mr. Vương Khiết – Moderator mở ra một phần thảo luận ngắn đầy thú vị xoay quanh “The startup curve” (Tạm dịch: Hành trình startup). Với câu chuyện về những điểm khác nhau trên “đường cong” khởi nghiệp cùng các ví dụ dựa trên kinh nghiệm khởi nghiệp từ người tham dự là các dự án trong Vườn ươm UII, “The startup curve” đã phần nào nói lên thực tế tổng quát của một hành trình hiện thực hóa ý tưởng đổi mới sáng tạo muôn màu, muôn vẻ với không chỉ những chông gai, sóng gió mà còn là những thành quả, sự phát triển đáng kỳ vọng.

Người tham dự cùng nhau trao đổi về “The startup curve” ở phần mở đầu Fireside Chat 4

Từ một người làm giáo dục đến một nhà khởi nghiệp.

Kể về hành trình khởi nghiệp của mình, diễn giả bắt đầu với một suy nghĩ thú vị về việc hình thành ý tưởng:

“Những ý tưởng như là kim cương vậy, các bạn có nghĩ vậy không? Theo tôi, không có bất kì ý tưởng nào là hoàn toàn nguyên bản cả, tất cả chúng ta đều đang “sao chép” (biến hoá) từ những ý tưởng của nhau hoặc có những suy nghĩ tương đồng. Vì vậy, tôi không nghĩ những nhà khởi nghiệp trẻ bắt buộc phải có một ý tưởng kinh doanh cực kỳ khác biệt. Thường thì các nhà đầu tư, ít nhất là đối với khu vực châu Á, họ không thích đầu tư vào những ý tưởng hoàn toàn mới lạ và chưa được thử nghiệm bao giờ – họ muốn thấy được minh chứng về tiềm năng phát triển trên thị trường của sản phẩm/dịch vụ đó. Khi từng làm việc tại một Trung tâm Khởi nghiệp tại Singapore Polytechnic (với vai trò là Center Director của SPINOFF), một trong những KPI mà tôi cần đạt được là xây dựng một mạng lưới về giáo dục khởi nghiệp trải rộng khắp khu vực Đông Nam Á. Tôi cùng các cộng sự của mình đã bắt tay vào việc và biến nó trở thành mạng lưới giáo dục khởi nghiệp lớn nhất Đông Nam Á khi ghi nhận 15,000 học viên mỗi kỳ. Và vì đây là chương trình chính tay tôi xây dựng nên, tôi khá hạnh phúc và tự hào về điều đó. Nhưng dần dần, tôi nhận ra mình muốn tiến xa hơn nữa.

Nắm bắt được thực tế rằng rất nhiều viện đào tạo hợp tác với Polytechnic không hề sử dụng các hệ thống quản trị đào tạo bởi chi phí đắt đỏ, một ý tưởng về việc “Tại sao chúng ta không thể phát triển một hệ thống quản trị đào tạo với giá cả hợp lý cho số đông các cơ sở giáo dục châu Á?” xuất hiện trong đầu tôi. Thử thách khi ấy tôi gặp phải là tất cả các nền tảng học tập khi ấy đều chỉ sử dụng tiếng Anh. Vậy nên tôi cũng nghĩ thêm về việc “Tại sao chúng ta không thể làm cho hệ thống này trở nên rẻ hơn và có thêm nhiều ngôn ngữ địa phương?”. Khoảng tháng 06-07/2019, tôi đăng ký thành lập công ty tại Singapore, đồng thời tiến hành các thủ tục nghỉ việc tại Singapore Polytechnic và đến tháng 11/2019, FREEJOO chính thức đi vào hoạt động. Trong một vài tháng giữa hai mốc thời gian trên, chúng tôi đã hoàn thiện toàn bộ MVP cho sản phẩm của mình – một nền tảng học trực tuyến với nhiều ngôn ngữ khác nhau và chúng tôi hy vọng có thể cung cấp nó với một mức giá phải chăng hơn cho tất cả mọi người. FREEJOO có khách hàng đầu tiên vào tháng 12/2019, vậy nên có thể nói chúng tôi bắt đầu ý tưởng này với sự phấn khởi và hiện thực hoá nó một cách nhanh chóng, không lãng phí thời gian.

Mr. Neelesh Bhatia chia sẻ về chặng đường phát triển, nhiệm vụ và tầm nhìn của FREEJOO

Đến tháng 01/2020, chúng tôi ký thêm được hai hợp đồng nữa và tôi cảm thấy mình như đang trên đỉnh thế giới vậy: Chúng tôi không có khả năng phạm phải sai lầm nào và thị trường thì đầy rộng mở. Nhưng rồi đến tháng 02/2020, cũng như hầu hết những người làm khởi nghiệp khác, chúng tôi phải hứng chịu một “đòn tấn công” cực mạnh từ COVID-19. Rồi tất cả mọi thứ dừng lại, không có kết quả kinh doanh hay bất cứ khoản doanh thu nào trong nhiều tháng và điều ấy, trớ trêu thay, lại không phải vì không có nhu cầu (cho sản phẩm của FREEJOO) – ngược lại, nhu cầu cho dịch vụ như của chúng tôi tăng cao đột biến khi tất cả các cơ sở giáo dục đều muốn có một nền tảng đào tạo trực tuyến. Thử thách khi ấy xoay quanh việc tất cả mọi người đều quyết định rằng tạo ra một hệ thống quản trị đào tạo là giải pháp sáng giá và ai ai cũng nhảy vào phát triển sản phẩm này, thị trường trở nên cực kỳ “đông đúc” với các đối thủ cạnh tranh mới chỉ sau một đêm. Rất nhiều trường học thì bắt đầu sử dụng những nền tảng như Google Classroom hay Microsoft Teams và một nền tảng được xem là sự kết hợp chuyên nghiệp giữa Skype và Slack như Microsoft Teams cũng quyết định sẽ trở thành nền tảng học trực tuyến. Họ cung cấp dịch vụ miễn phí cho tất cả các đối tượng, và làm sao mà bạn có thể cạnh tranh với Google cùng Microsoft khi họ cho đi nhiều giá trị miễn phí như thế?”

Mr. Neelesh Bhatia tiếp tục chia sẻ về cách mà FREEJOO đã vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực về nhiều mặt của đại dịch COVID-19, dần lấy lại “cân bằng” trên chặng đường phát triển của mình: “Khi đấu với các “ông lớn”, bạn phải đổi mới sáng tạo, phải thay đổi và xoay chuyển một cách khéo léo vì nếu không, bạn sẽ thất bại. Với cương vị là một CEO/CFO, bạn muốn đảm bảo rằng dòng tiền của doanh nghiệp đủ “mạnh khoẻ” nhưng từ tháng 02-07/2020, chúng tôi không có doanh thu và việc làm thế nào để chống đỡ trước tình thế này là một điều vô cùng khó khăn. Đứng trước tình thế này, tôi đã đi nói chuyện với rất nhiều giáo viên trong mạng lưới quan hệ của mình bởi tôi nhận ra rằng: Dù tất cả các trường đều đã triển khai giảng dạy trên những nền tảng khác nhau như Google Classroom hay Microsoft Teams, một bộ phận lớn (gần 95%) các giáo viên vẫn thiên về dùng Zoom hay Google Meet để dạy học hơn. Lý do đằng sau thực tế này là vì các giáo viên không biết làm cách nào để thiết kế những nội dung lôi cuốn cho các nền tảng trực tuyến. Nhiều người với 20, 30 hay thậm chí là 40 năm kinh nghiệm đã quen với phương pháp sử dụng lời giảng và bảng, phấn hoặc lời giảng và PowerPoint để dạy học. Nhưng giờ đây, bạn đột nhiên cung cấp cho họ một công cụ vô cùng “quyền lực” với hàng trăm tính năng khác nhau, bạn kỳ vọng họ sẽ quản lý và làm chủ được công cụ này như thế nào? Và phản ứng của học sinh là “tắt” (màn hình, camera, micro) vì các em không thấy tiết học đủ hấp dẫn. Đó là khoảnh khắc then chốt cho FREEJOO vì chúng tôi nhận ra rằng, suy cho cùng, vấn đề ở đây không phải là về công nghệ mà là về mối quan hệ và liên kết giữa người với người.”

Những yếu tố cốt lõi làm nên một startup thành công.

Trả lời câu hỏi “Yếu tố cốt lõi nào làm nên sự thành công của một startup?”, Mr. Neelesh Bhatia đưa ra quan điểm sáng tạo của mình: “Theo suy nghĩ cá nhân tôi, trước tiên, người sáng lập (founder) phải thực sự có khao khát. Tôi chắc chắn rằng rất nhiều người trong cuộc hay các mentor sẽ nói rằng bạn cần phải có đam mê để khởi nghiệp và tôi cũng đồng ý với họ. Nhưng chỉ đam mê thôi thì chưa đủ để giúp bạn chống đỡ qua thử thách vì đam mê rồi cũng sẽ phai nhạt bớt trong những thời khắc khó khăn. Đam mê không thể “nuôi” bạn, nó không mang tiền bạc đến cho bạn để bạn trả các nhân viên của mình. Điều có thể thực sự “nuôi’ bạn là sự khao khát. Bạn “đói khát” và mong muốn thành công mãnh liệt đến đâu? Bạn sẽ sẵn sàng từ bỏ những gì để thành công? Vì nếu bạn không sẵn lòng hy sinh điều gì đó trong cuộc sống thì bạn sẽ không thể thành công. Không chỉ đối với lĩnh vực khởi nghiệp mà là cả trong cuộc sống thường ngày, không ai có thể sở hữu tất cả mọi thứ – bạn phải từ bỏ điều gì đó để đổi lại được một thứ khác.” 

Mr. Neelesh Bhatia chia sẻ về thành công

Nhiệm vụ. Biết ơn. Đồng đội.

Đó cũng chính là 3 từ khóa quan trọng nhất mà Mr. Neelesh Bhatia lựa chọn để miêu tả hành trình khởi nghiệp của mình. Diễn giả giải thích: “Đối với từ khoá đầu tiên, chúng tôi là một công ty hoàn toàn hướng đến nhiệm vụ là những người giáo viên cần được trao quyền bởi nếu không, tương lai của tất cả chúng ta đều sẽ bị đe doạ. Tôi cũng rất biết ơn vì tất cả những cơ hội mà mình đã có được để biến Akadasia thành hiện thực và đi được đến ngày hôm nay khi năm ngoái chúng tôi gần như đã phải giải thể. Về từ khoá cuối cùng, tôi yêu các đồng đội của mình và FREEJOO cũng không thể tiến xa thế này nếu không có đội ngũ với những con người làm việc hết sức chăm chỉ và luôn có niềm tin mãnh liệt vào nhiệm vụ mà chúng tôi hướng tới.”

Mr. Neelesh Bhatia chia sẻ về 3 từ khoá miêu tả hành trình khởi nghiệp của mình với FREEJOO

Chỉ trong khoảng thời gian hơn 1,5 tiếng đồng hồ, thông qua những câu chuyện giáo dục và khởi nghiệp đầy cảm hứng từ diễn giả, người tham dự đã có cơ hội nhìn nhận về tiềm năng học hỏi, phát triển – ngay cả trong thất bại, đồng thời có thêm nhiều kiến thức thực tế về việc phát triển ý tưởng khởi nghiệp ở quy mô quốc tế. Những câu hỏi đến từ các startup và các bạn sinh viên UEH liên tục được đặt ra cho diễn giả, góp phần đào sâu cuộc trò chuyện dưới nhiều góc độ mới mẻ, sáng tạo hơn.

UII chân thành cảm ơn Mr. Neelesh Bhatia vì đã dành khoảng thời gian quý báu để tham gia chia sẻ cùng chương trình cũng như sự ủng hộ nhiệt tình từ phía người tham dự. Thông qua Fireside Chat 04, UII hy vọng có thể góp phần truyền cảm hứng về việc mạnh mẽ lan tỏa, hun đúc tinh thần khao khát mãnh liệt để các startup và các bạn trẻ Việt Nam hiện nay có thể không ngừng phát triển với những ý tưởng đổi mới sáng tạo của mình, góp phần cống hiến cho xã hội nói chung và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng. 

Fireside Chat sẽ còn tiếp tục trở lại vào 2022 với những chủ đề thú vị hơn nữa. Vì vậy, hãy theo dõi các hoạt động sắp tới của UII để không bỏ lỡ bất kỳ sự kiện quan trọng nào bạn nhé!

#UII #Incubator #Fireside_chat_04 #StartupJourney

___________

UII – Where every idea has a story!

📧uii@ueh.edu.vn

🌐http://uii.ueh.edu.vn/

☎️077 696 1010

🏢232/6 Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh