Fireside Chat 02 – Rewind: “WHAT IF…?”: Success is important, yet learning from failure stories is invaluable!

Vào sáng Chủ Nhật ngày 24/10/2021 vừa qua, Talkshow chia sẻ và truyền cảm hứng Fireside Chat của UII đã trở lại với số thứ hai mang tên “Rewind: “WHAT IF…?”: Success is important, yet learning from failure stories is invaluable!”. Diễn giả khách mời là Mr. Hồ Đức Hải (Founder Bánh mì Má Hải) cùng gần 20 người tham dự là thành viên thuộc các startup trong cộng đồng Vườn ươm Khởi nghiệp UII và các bạn sinh viên UEH đã có một buổi trò chuyện cởi mở, đầy ý nghĩa về một chủ đề tưởng chừng tiêu cực – thất bại.

Để góp phần khuấy động bầu không khí, Talkshow được mở đầu với phần trò chơi sắp xếp các chữ cái thành từ có nghĩa theo mô típ của chương trình Vua Tiếng Việt đang rất được ưa chuộng. Những từ khóa đưa ra như “khởi nghiệp”, “thành công”, “bánh mì”, “vấp ngã”… đều xoay quanh chủ đề và diễn giả của chương trình.

Người tham dự cùng nhau tham gia vào trò chơi khởi động

Sau phần giới thiệu về diễn giả và chủ đề sự kiện, câu hỏi “Bạn đã từng vấp ngã/muốn bỏ cuộc chưa? Hãy chia sẻ một vài tính từ miêu tả cảm xúc lúc đó.” được nêu lên và đã khơi gợi nhiều dòng suy nghĩ với các góc nhìn đa dạng từ phía người tham dự. 

Đối với Mr. Hồ Thái Bình (Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Kỹ năng sinh tồn SSVN), cảm xúc khi gặp phải những thất bại trên chặng đường khởi nghiệp có thể được thể hiện thông qua từ “hụt hẫng”, “thốn” và cảm giác không có năng lượng khi phải một thời gian (1-2 tuần) sau đó mới dần trở lại bình thường và tiếp tục công việc như bình thường được. Anh giải thích sâu hơn: “Thốn ở đây vừa có nghĩa là hụt hẫng, mà vừa có nghĩa là thiếu thốn vì hồi còn trẻ thì anh hay chơi “all-in” (đánh cược tất cả). Vậy nên nếu thất bại rồi thì coi như là không còn gì cả, và mình phải bắt đầu lại, phải đi “gom” tiền lại từ đầu cũng như thử nghiệm những điều mới. Khi đó, mình còn thấy những nỗ lực bản thân đã bỏ ra đều bị lãng phí và không tránh khỏi cảm giác “quê”, mất uy tín với bạn bè. Đặc biệt thì khi anh nói 1, bạn bè có thể sẽ tưởng tượng ra 10 và rất tin tưởng mình nên sau này, anh rút kinh nghiệm là nếu mình làm 10 thì cũng chỉ nói 1 thôi. Cuối cùng là sau khi thất bại rồi thì mình sẽ rút ra được cho bản thân nhiều bài học đáng giá để những lần sau đỡ khổ hơn.”

Mr. Trần Cao Trí – Seed Planter của Vườn ươm UII và cũng là một người đã có kinh nghiệm khởi nghiệp chia sẻ tiếp nối: “Khi vấp ngã, suy nghĩ đầu tiên loé lên trong đầu anh là “Dẹp hay không dẹp?”. Tất nhiên là quyết định có thật sự “dẹp” hay không thì cần được đưa ra khi mình bình tĩnh lại, nhưng đấy là những gì xuất hiện trước tiên. Từ khóa miêu tả cảm xúc của anh thì cũng là từ “thốn” như anh Bình, tuy nhiên đối với anh, nó mang nghĩa đau nhiều hơn. Ngoài câu chuyện về tài chính, tiền bạc, thời gian, thứ quan trọng nhất ở đây bị “cấn” đến đau là niềm tin – niềm tin và kỳ vọng của chính bản thân, của đồng đội và những người xung quanh dành cho mình. Vì vậy, cái khó khăn nhất tại thời điểm đó anh nghĩ là khủng hoảng liên quan đến niềm tin. Còn lại thì khi vượt qua được vấn đề này, thường chúng ta sẽ có thể bước tiếp.”

Mr. Hồ Thái Bình và Mr. Trần Cao Trí chia sẻ về những cảm xúc, trải nghiệm khi vấp ngã trên hành trình khởi nghiệp.

Cái duyên đến với khởi nghiệp.

Sau phần chia sẻ với nhiều cảm xúc lắng đọng, Fireside Chat 2 đưa người tham dự quay ngược dòng thời gian về năm 2013 với câu chuyện của Mr. Hồ Đức Hải về “cái duyên” đến với khởi nghiệp của anh từ những ngày còn là một sinh viên Đại học Kinh tế TP. HCM. 

Qua quá trình cân nhắc về vấn đề thời gian, mức độ phức tạp, chi phí cũng như tìm cách tận dụng lợi thế quê nhà tại Bà Rịa – Vũng Tàu, anh Hải đi đến quyết định bắt đầu “lập nghiệp” với một xe bán bánh mì chả cá ở khu vực gần cơ sở B của UEH. Thông qua tìm hiểu về thị trường, anh nắm bắt được rằng nếu mua chả cá đã chiên sẵn rồi cắt ra cho vào bánh thì sẽ có một vấn đề là nó không nóng, khách không thích. Vì vậy, anh đã nảy ra ý tưởng về việc lấy ống ép chả cá ra thành từng sợi, sau đó chiên trực tiếp ở ngoài xe bánh mì. Đây vừa là điểm nhấn đặc biệt cho thương hiệu Bánh mì Má Hải, vừa là một ví dụ điển hình của việc vận dụng tư duy đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp kinh doanh!

Anh Hải nhận định: “Khi quyết định bán bánh mì vào thời điểm đó, các bạn có thể dùng từ “ngây thơ” để diễn tả mình của khi đó. Mình không biết gì hết, cứ mò mẫm dần dần, từng bước bán hàng rồi thành quen. Cái duyên với bánh mì của mình căn bản là xuất phát từ nhu cầu mưu sinh thời sinh viên, và nó đơn giản như vậy thôi!”

Mr. Hồ Đức Hải mở lòng về những câu chuyện từ ngày đầu khởi nghiệp của mình.

Những bài học “đắt giá”.

“Đối với mình, trong quá trình khởi nghiệp, khi bản thân đã kiếm được một ít tiền thì cái khó khăn lớn nhất là không lan man, không ham mê những thứ khác mà phải tập trung vào đúng những công việc cốt lõi mình đang làm. Mình có được ngày hôm nay cũng nhờ bánh mì, vậy mà biết bao nhiêu lần mình nhen nhóm ý nghĩ bỏ bánh mì để làm những thứ khác và sa ngã trước những cơ hội ngoài ngành chính của bản thân để rồi phải hối tiếc.” Đây cũng là bài học “đắt giá” nhất tính tới thời điểm hiện tại mà diễn giả muốn nhắn gửi đến tất cả mọi người.

Anh Hải chia sẻ thêm: “Thực ra thì mình cũng từng có phần hơi tự tin quá. Mà vì tự tin nên thiếu sự chuẩn bị, tính toán, dẫn đến “dục tốc bất đạt” như ông bà ta thường hay nói. Thời điểm đầu mình kinh doanh bánh mì thành công vì 2 yếu tố chính: Thứ nhất là sản phẩm mình chọn làm quá đơn giản, chỉ cần thu bao nhiêu tiền rồi trừ chi phí thì sẽ có được ngay con số lợi nhuận; Thứ hai là sự may mắn khi mình đã chọn lựa được một mô hình đơn giản, tiếp cận khách hàng và quy trình vận hành cũng dễ dàng. Sau này khi làm những thứ khác, mình vô hình trung nghĩ mọi chuyện cũng đơn giản y như khi bán bánh mì và đó chính là lý do dẫn đến thất bại.”

Những giả định về việc làm tiếp thay vì quyết định dừng lại và cách đứng lên từ vấp ngã.

Về dự án ống hút gạo Xanh Việt Nam trước kia, diễn giả trải lòng: “Mình đã từng mất gần một tháng để trằn trọc, đắn đo quyết định (kết hợp tham khảo ý kiến của mọi người xung quanh) khi có rất nhiều câu hỏi phải trả lời và rất nhiều những kịch bản phải phân tích, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng nổ trên phạm vi rộng, ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Một trong những gánh nặng to lớn nhất là mình phải “trình bày” với người chú – nhà đầu tư thiên thần đã góp vốn 50% vào dự án này – như thế nào. Vào cái ngày đưa ra quyết định dừng lại, mình đã nghe được một câu “Đi buôn không lời thì lỗ” của chú và ngay lập tức dừng mọi suy nghĩ tiêu cực.” Sau khi đã quyết định dừng lại và chấp nhận thất bại xong, anh cảm giác rất nhẹ nhõm – dù đã mất mát rất nhiều thứ. 

Anh đúc kết lại một trong những nguyên nhân khiến bản thân kéo dài khoảng thời gian suy nghĩ về những cái “giá như” là sự sĩ diện và chuyện chúng ta không sẵn sàng chấp nhận việc lại thất bại thêm một lần nữa. Còn vấn đề liên quan đến đội ngũ, mặt bằng, Mr. Hồ Đức Hải giữ quan điểm đơn giản: “Đã mất 10 đồng rồi thì thêm 1 đồng cũng không sao. Cho nên mỗi lần thất bại trong bất cứ dự án nào, riêng về mặt nhân sự, mình luôn có một tâm niệm là phải chơi đẹp với “anh em”. Giả sử trong tình huống bất khả kháng phải cho đội ngũ nhân sự nghỉ việc, công ty anh ngoài việc thông báo trước theo đúng thời gian quy định còn hỗ trợ thêm cho nhân viên 1 tháng lương.” Anh cũng tâm sự: “Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, mỗi lần thất bại cũng giống như khi chuyển nhà trọ vậy, tài sản, đồ vật nào ta cũng tiếc, cũng muốn giữ lại để sử dụng cho những lần tiếp theo. Nhưng chính những điều đó lại làm ta cảm thấy mất thời gian. Vì vậy, sau này khi vấp ngã, mình chấp nhận lỗ, buông bỏ những thứ đó để có thời gian nghỉ ngơi và bắt đầu lại một cách nhanh chóng hơn.”

Thất bại thông minh.

Đối với Founder của chuỗi Bánh mì Má Hải, thất bại thông minh có thể là khi ta biết dừng đúng lúc, nhận thức rõ ràng được rằng bản thân đã thất bại, sau khi dừng lại thì rút ra được nhiều bài học cho bản thân để sau này không phạm phải những sai lầm tương tự nữa và cuối cùng là xử lý những hậu quả mình gây ra một cách khéo léo, trọn vẹn.

Đối với Mr. Trần Trí Thành (Founder dự án Bs. Râu – Sáp cạo râu không dùng nước), nếu chúng ta có một tâm thế “chỉ sợ thành công chứ không sợ thất bại” thì lúc đó chúng ta sẽ có nhiều động lực phát triển hơn và thất bại một cách thông minh hơn.

Mr. Hồ Đức Hải và Mr. Trần Trí Thành cùng mọi người thảo luận về khái niệm thất bại thông minh.

Để tổng kết lại sự kiện, BTC đã thiết kế một khảo sát nhanh để thu thập những từ khóa quan trọng nhất mà mọi người đã tự chiêm nghiệm được thông qua chương trình. Rất nhiều những đúc kết ý nghĩa được chia sẻ và đọng lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí người tham dự như Thất bại là mẹ thành công, Tận dụng vốn tự có, Tập trung, Phải dám (làm và thất bại), Thất bại nhanh… 

Bảng tổng hợp những điểm đáng nhớ được ghi nhận qua chương trình.

Cuối cùng, Mr. Hồ Đức Hải nhấn mạnh về hai đúc kết quan trọng mà anh muốn truyền tải đến mọi người để khép lại sự kiện: “Khi các bạn làm bất cứ điều gì, hãy để tất cả mọi người biết bạn biết rằng bạn đang làm cái đó. Và cũng hãy để tất cả những người biết bạn biết luôn những khó khăn bạn đang phải trải qua để họ có thể giúp đỡ bạn. Đây là nguồn lực mà nhiều người rất ít khi hoặc gần như không sử dụng. Nhưng nếu biết sử dụng đúng cách, những hỗ trợ, những mối liên hệ này – đặc biệt với các bạn sinh viên hoặc những ai đang bắt đầu với các dự án khởi nghiệp ở quy mô nhỏ – có thể trở thành nguồn lực bất tận. Thêm vào đó, hãy tìm cho bản thân người mentor trong lĩnh vực khởi nghiệp của mình để họ giúp các bạn đi chính xác hơn, nhanh hơn và bớt lãng phí hơn rất nhiều.”

Tuy thời lượng buổi Talkshow chỉ gói gọn trong khoảng hơn hai tiếng, Mr. Hồ Đức Hải đã truyền tải rất nhiều thông điệp ý nghĩa về thất bại thông qua những câu chuyện gần gũi, những bài học quý báu để đứng lên từ vấp ngã, từ đó hướng đến thành công. UII cũng chân thành cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình từ phía người tham dự. Đặc biệt, những trải lòng về vô vàn nỗi đau các startup trong cộng đồng Vườn ươm UII phải trải qua trên con đường khởi nghiệp đã giúp lưu lại nhiều điểm nhấn sáng giá cho chương trình lần này!

Thông qua Fireside Chat 02, UII hy vọng có thể góp phần lan tỏa và truyền cảm hứng về việc mạnh mẽ nêu cao tinh thần dấn thân, không ngại thất bại của các startup nói riêng và các bạn trẻ Việt Nam nói chung trên con đường khởi nghiệp đầy chông gai nhưng cũng hứa hẹn mang lại vô vàn cơ hội phát triển.

Diễn giả khách mời, người tham dự cùng đội ngũ BTC cùng nhau chụp ảnh lưu niệm cuối sự kiện

Fireside Chat sẽ còn tiếp tục trở lại vào các tháng tiếp theo với những chủ đề thú vị hơn nữa. Vì vậy, hãy theo dõi các hoạt động sắp tới của UII để không bỏ lỡ bất kỳ sự kiện quan trọng nào bạn nhé!

#UII #Incubator #IncubationProgram2021 #FiresideChat #RewindWhatif

___________

UII – Where every idea has a story!

🌐http://uii.ueh.edu.vn/

☎️036 369 8008

🏢232/6 Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh